Tại sao lý thuyết Kaizen lại thuyết phục? - Phần 1



Tất cả những thay đổi, dù tích cực đều làm người ta sợ. Nỗ lực đạt được mục đích thông qua những biện pháp mạnh mẽ, triệt để thường thất bại do người ta quá phóng đại nỗi sợ hãi. Nhưng những bước đi nhỏ của Kaizen đã gỡ bỏ phản ứng sợ hãi trong đầu, kích thích suy nghĩ và hoạt động sáng tạo.


Thay đổi làm con người sợ hãi. Chính nhân tố con người này rất khó tránh khỏi dù sự thay đổi có vẻ vô nghĩa (như đi chơi hộp đêm) hay làm gì thay đổi cuộc sống (như có con). Việc sợ thay đổi bắt nguồn từ đặc điểm sinh học của não bộ, khi nỗi sợ hãi xảy ra, nó ngăn cản sự sáng tạo, đổi mới và thành công.

Xét trên quan điểm tiến hóa, bộ não là một trong những cơ quan khác lạ nhất trong cơ thể con người. Các bộ phận như tim, gan, ruột và các cơ quan khác, đều phát triển và duy trì suốt thời gian tiến hóa của con người. Nhưng trong vòng bốn, năm trăm triệu năm vừa qua, não bộ tiếp tục phát triển và biến đổi. Ngày nay, não của chúng ta thực sự có ba khu vực riêng biệt, xuất hiện từ khoảng thời gian cách đây một hoặc hai trăm triệu năm. Một trong những thách thức với con người là phải phát triển hài hòa giữa những vùng não này nhằm tránh những bệnh tật về thể chất và tinh thần.



Tận tầng dưới cùng của bộ não chính là não sau (brain stem). Nó tồn tại từ năm trăm triệu năm trước và được gọi là não bò sát (reptilian brain - trên thực tế nó trông giống như bộ não cá sấu). Phần não bò sát này giúp bạn dậy mỗi buổi sáng, giúp bạn ngủ vào ban đêm và nhắc nhở tim bạn đập.

Phần trên cùng của cuống não gồm não giữa (mid brain), còn gọi là não động vật có vú. Khoảng ba trăm triệu năm cách đây, tất cả các loài động vật có vú, ở bất cứ dạng thức nào, đều có kiểu não này. Phần não giữa điều tiết nhiệt độ bên trong cơ thể, nuôi dưỡng tình cảm, điều khiển phản xạ chống trả, hoặc trốn chạy giúp ta sống sót khi đối mặt với hiểm nguy.

Phần thứ ba của não bộ chính là vỏ não (cortex), phát triển khoảng một trăm triệu năm trước đây. Vỏ não chứa toàn bộ phần còn lại của não, đem đến những điều kỳ diệu cho con người. Văn minh, nghệ thuật, khoa học, âm nhạc tất cả đều nằm ở đây. Đây là nơi diễn ra những suy nghĩ lý trí và khơi nguồn sáng tạo. Khi ta muốn thay đổi, hay muốn khởi động quá trình sáng tạo, cần phải tiếp cận khu vực vỏ não.

Sự bố trí ba vùng trong não không phải lúc nào cũng ổn thỏa. Ý chí mách bảo chúng  ta nên giảm cân, nhưng sau đó, ngồi một lúc, ta ăn hết cả một túi khoai tây chiên. Hay khi ta cố gắng phát huy hết sức sáng tạo cho một dự án mới, đầu óc ta đờ ra như một khối bê tông.

Khi chúng ta muốn thay đổi nhưng nghiệm thấy khó khăn, bạn thường đổ lỗi cho khu vực trung não bị tê liệt, không còn làm việc được nữa. Ở khu vực trung não có cấu trúc hạch hạnh (amygdala). Cấu trúc hạch hạnh này tối quan trọng cho sự tồn vong của chúng ta. Nó điều khiển phản xạ chống trả, hoặc trốn chạy, một cơ chế cảnh báo mà các loài động vật có vú khác cũng có. Nó được tạo ra để đánh thức các bộ phận khác trong cơ thể sẵn sàng hành động khi đối mặt với hiểm nguy trước mắt. Nhiệm vụ của nó là làm chậm hoặc dừng các chức năng khác như lý trí và sáng tạo có thể ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu hoặc chạy trốn của cơ thể.

Phản xạ chống trả, hoặc trốn chạy có rất nhiều ý nghĩa. Nếu một con sư tử đang chuẩn bị tấn công bạn, bộ não sẽ không muốn bạn tốn thời gian thận trọng suy nghĩ. Thay vào đó, nó sẽ đóng toàn bộ những chức năng không cần thiết như tiêu hóa, tình dục, suy nghĩ, mà hướng cơ thể vào hành động. Hàng ngàn năm trước đây, khi con người đi khắp những khu rừng rậm và hoang mạc cùng với các loài vật khác, cơ chế này luôn xuất hiện đúng lúc mỗi khi con người có nguy cơ lạc ra khỏi mội trường an toàn và quen thuộc. Do chúng ta không thể chạy nhanh được, khả năng nhìn và đánh hơi không tốt khiến ta dễ trở thành con mồi của những động vật khác, vì vậy sự cẩn thận là điều quan trọng. Phản xạ đánh, hoặc bỏ chạy vẫn còn cần thiết đến ngày nay, ví dụ một chiếc xe hơi đi nhầm đường sắp lao vào bạn hay bạn cần thoát ra khỏi một tòa nhà đang bốc cháy.

Vấn đề thực sự của hạch amygdala và phản xạ chống trả, hoặc trốn chạy hiện nay là nó khởi động chuông cảnh bảo bất cứ khi nào chúng ta rời khỏi môi trường an toàn và quen thuộc. Bộ não được cấu tạo để bất cứ một thách thức, một cơ hội hay một nhu cầu mới đều nảy sinh sợ hãi ở những mức độ khác nhau. Khi thách thức là một công việc mới hay gặp một người mới, hạch hạnh cảnh báo các bộ phận khác trong cơ thể sẵn sàng hành động- và quá trình tiếp cận vỏ não, khu vực suy nghĩ của não bộ, bị hạn chế, đôi khi bị khóa chặt.

Bạn có thể trải nghiệm hiện tượng giống như khi bạn đang làm 1 bài kiểm tra. Bạn càng cho bài kiểm tra quan trọng và càng lo về kết quả bao nhiêu, thì bạn càng cảm thấy sợ bấy nhiêu. Sau đó, bạn nhận thấy rất khó tập trung. Câu trả lời dường như biến mất khỏi trí nhớ bạn.

Mục tiêu lớn  Sợ hãi  Hạn chế tiếp cận Vùng vỏ não  Thất bại

Mục tiêu nhỏ  Vượt qua sợ hãi  Tiếp cận Vùng vỏ não  Thành Công



Trích Bước đi nhỏ thay đổi cuộc đời: Triết lý Kaizen – Robert Maurer


Share this

Related Posts

Previous
Next Post »